Lực lượng an ninh mạng ghi nhận một số sàn ảo như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888… lôi kéo nhà đầu tư tham gia để “giật” đơn hàng ảo nhưng mục đích chiếm đoạt tài sản.
Ngày 21/6, Công an Hà Nội phát cảnh báo về việc một số ứng dụng, website “giật” đơn hàng ảo (tức là quay số để mở đơn hàng ảo trên mạng) vừa xuất hiện có dấu hiệu lợi dụng không gian mạng để chiếm đoạt tài sản.
Theo cảnh sát, các ứng dụng di động, website sàn ảo này không rõ nguồn gốc, hoạt động dưới hình thức phát hành điểm thưởng (token) vào tài khoản người dùng và hứa hẹn có thể rút tiền mặt.
Qua ghi nhận, an ninh mạng phát hiện một số sàn ảo như Pchome, Shopping Mall, Tailoc888… lợi dụng danh nghĩa sàn thương mại điện tử, lôi kéo người dùng đăng ký khoản, nộp tiền đầu tư để “giật” đơn hàng ảo nhằm hưởng tiền hoa hồng.Nhiều ứng dụng, trang web “giật” đơn hàng ảo có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an Hà Nội.
Nhiều ứng dụng, trang web “giật” đơn hàng ảo có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an Hà Nội. |
Theo cơ quan chức năng, trên thực tế các ứng dụng di động, website trên đều có máy chủ đặt ở nước ngoài, có dấu hiệu tổ chức huy động vốn, chiếm đoạt tài sản và hoạt động đa cấp biến tướng.
Để phát triển mạng lưới, các nhóm quản trị hệ thống ảo hay kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng cách quảng cáo trên mạng xã hội, tổ chức những sự kiện chào đón, trả lãi thật sự cho một số thành viên ban đầu, có chính sách hoa hồng khi người chơi mời gọi được thành viên cấp dưới.
Các ứng dụng, website trả thưởng này tập trung dụ dỗ, lôi kéo người dùng là những người trong độ tuổi sinh viên và đang tìm việc làm (từ 18 đến 25 tuổi) và người trung niên (từ 55 đến 65 tuổi). Trong đó đa số là nữ giới ở nhà, chưa có việc làm ổn định.
Theo cảnh sát, người dân có thể nhận biết các ứng dụng, website dựa trên những tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi kí tự, con số không có ý nghĩa, ví dụ như 6868, 999, 888…
Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ hoạt động của các ứng dụng, website “giật” đơn hàng ảo có dấu hiệu của tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, các nhóm quản trị còn thông qua ứng dụng, website “giật” đơn để huy động vốn trái phép, trả thưởng theo mô hình đa cấp. Những hình thức này chưa được Bộ Công Thương cấp phép. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định số 98/2020 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 217 Bộ luật Hình sự.
Bài Viết được trích trên báo ZING.VN
https://zingnews.vn/canh-bao-viec-chiem-doat-tien-qua-app-giat-don-hang-ao-post1229564.html